Thứ Ba, 12 tháng 5, 2015

Tư vấn về số lượng người tới lễ chạm ngõ

Với tính chất là buổi tiệc thân mật thì việc khắt khe ngay từ số lượng người đi dự là không cần thiết.
Câu hỏi: Tôi chuẩn bị làm lễ dạm ngõ. Nhà gái có một yêu cầu, đó là số lượng người đi dự lễ dạm ngõ phải là số chẵn và đếm theo câu "sinh, lão, bệnh, tử". Nhưng họ hàng cô bác trong gia đình tôi ai cũng muốn tham dự vào ngày trọng đại này nên số lượng người đi lên đến 16 người, rơi vào chữ "tử" nên nhà gái không đồng ý. Với gia đình tôi, không quan trọng mấy chuyện này. Vậy nhờ Nguyên Đình tư vấn xem có đúng phong tục trong ngày dạm ngõ như vậy không? Nếu không tôi phải trình bày thế nào để nhà cô ấy bỏ qua vấn đề này?

Ảnh: StyleUnveiled
Tư vấn tham khảo:

Theo phong tục tập quán về cưới hỏi của người Việt Nam, có hai buổi lễ được coi là trọng đại đó là lễ ăn hỏilễ cưới (bao gồm cả lễ xin dâu, rước dâu). Nghi lễ thứ ba thực hiện trước ăn hỏi và cưới là lễ dạm ngõ. Vốn ý nghĩa của nghi thức dạm ngõ là một buổi lễ nhỏ, đơn giản về thủ tục. Đồ lễ cũng không quá cầu kỳ. Đôi khi chỉ cần bánh kẹo, hoa quả, trầu cau... là đủ. Bởi đây là lần đầu tiên hai gia đình gặp mặt để hiểu về nhau hơn và chủ yếu xem hoàn cảnh, phong cách cũng như lối sống có phù hợp với nhau không. Nếu hai nhà thấy hoàn cảnh phù hợp cũng như cặp đôi yêu thương nhau thì tiếp tục bàn bạc về lễ ăn hỏi và đám cưới.

Với tính chất là buổi tiệc thân mật thì việc khắt khe ngay từ số lượng người đi dự là không cần thiết. Không có cơ sở khoa học nào chứng minh số lượng người tham dự dạm ngõ, đính hôn, đám cưới phải là số chẵn và phải đếm theo quy luật “sinh, lão, bệnh, tử”. Hơn nữa, hôn nhân của hai bạn bền vững hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, không phải do số lượng người đi dự lễ dạm ngõ của bạn là số người chẵn hay lẻ.

Để thuyết phục nhà gái, bạn nên tới nói chuyện trực tiếp với cha mẹ cô ấy. Trước tiên bạn nên tỏ thái độ lễ phép, giải thích nhẹ nhàng để các vị phụ huynh hiểu sự tôn trọng của bạn. Bạn nên trình bày tình cảm mà những người họ hàng dành cho mình và sự mong chờ của mọi người, ai cũng tham dự buổi lễ này. Sau khi tự thuyết phục nhà gái, bạn cũng nên nhờ người yêu tỉ tê thuyết phục thêm gia đình vì lời nói của cô ấy cũng sẽ khiến bố mẹ lắng nghe.

Trong trường hợp không thể thuyết phục hay bố mẹ nhà gái vẫn cương quyết không chịu để 16 người tới hôn lễ, thì bạn có thể xin thêm 2 người nữa vào trong đoàn, như vậy là có 18 người, vừa đủ họ hàng, vừa đủ số chẵn. Đó là cách cuối cùng để gia đình yên ấm. Không nên vì những chuyện nhỏ mà làm ảnh hưởng tới không khí vui vẻ của đám cưới hay gây xích mích, bất đồng giữa hai gia đình.
Theo ngoisao.net.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét